Monday, January 29, 2018

LIPO HYDROXY ACID (LHA) trị mụn như thế nào?

Giới thiệu

Lipohydroxy acid là một dẫn xuất của axit salicylic với các tính chất độc đáo giải thích các ảnh hưởng lâm sàng trên da. Lipohydroxy acid có tác dụng làm mới làn da, tẩy tế bào chết và điều trị mụn  và là một thành phần được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da cá nhân. 

Sự thâm nhập chậm của lipohydroxy acid dẫn đến tẩy tế bào từng tế bào riêng biệt có liên quan đến khả năng dung nạp tốt. Lipohydroxy acid đã được chứng minh là làm tăng độ dày của da bằng cách kích thích sản xuất glycosaminoglycans, collagen và elastin. 

HYDROXY ACIDS (HAs) Là thành phần chăm sóc da hiệu quả với các tính chất tẩy tế bào chết. Nhiều loại được tìm thấy tự nhiên trong các nguồn thực vật, do đó tên gọi là "axit trái cây". Chúng được chia thành các axit alpha hydroxy, beta hydroxy axit, axit polyhydroxy và axit bionic (ví dụ acid lactobionic) dựa trên vị trí của một hoặc nhiều hydroxyl các nhóm trên cấu trúc phân tử.
Hình 1. Công thức hóa học của Lipo Hydroxy Acid


Các đặc tính của LHA

Ngăn ngừa và điều trị mụn hiệu quả

Giống BHA, LHA tan trong dầu nên có khả năng ngăn ngừa mụn thông qua hai cơ chế: Tạo thuận lợi cho việc đào thải tế bào chết, đẩy nhân mụn và dầu thừa ra khỏi lỗ chân lông và làm lỏng bã nhờn nên sẽ thích hợp nhất với da dầu mụn.


Cụ thể hơn, một mặt nó len lỏi vào các tuyến bã nhờn, đẩy dầu thừa và bụi bẩn tích tụ lên trên bề mặt da, mặt khác nó làm lỏng liên kết protein giữa các tế bào sừng ở lớp ngoài cùng để chúng dễ dàng tách rời và bong ra hơn (lớp tế bào này thực chất là lớp tế bào chết phủ lên trên bề mặt da cũng như trong nang lông, nếu tích tụ quá nhiều chúng sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và sinh ra mụn).

Ngoài ra, do thuộc nhóm acid salicylic nên LHA cũng có những tính chất kháng viêm và kháng khuẩn, giúp giảm tích tụ P.acnes sinh mụn và nếu có mụn thì cũng giảm tình trạng mụn viêm sưng, đỏ. So với một hoạt chất trị mụn có tính kháng khuẩn mạnh khác là benzoyl peroxide thì khả năng làm giảm mụn viêm lẫn không viêm của LHA là xấp xỉ.
Hình 2. LHA có tính kháng viêm
Kích thích tái tạo và rút ngắn chu kỳ thay da mới

LHA cũng có khả năng tăng tốc độ sừng hóa tế bào, có nghĩa là thúc đẩy quá trình di chuyển của tế bào da từ lớp đáy cho đến khi lên bề mặt và bong ra ngoài như BHA.

Việc tăng tốc độ sừng hóa dẫn đến việc da sẽ liên tục đưa các tế bào mới lên thay thế lớp tế bào cũ nên LHA cũng thúc đẩy quá trình “đẩy mụn” diễn ra nhanh hơn, đồng thời các vết thâm cũng mờ đi nhanh chóng. Trong một nghiên cứu, các tác động kích thích da đã được tìm thấy tương đương với tretinoin. HAs nói chung đã cho thấy tăng nồng độ glycosaminoglycans, acid hyaluronic, collagen và elastin trong lớp hạ bì.


Ngoài ra lỗ chân lông sau khi được làm sạch cũng sẽ thu nhỏ lại làm da trông mịn màng hơn.
Hình 3. Bộ sản phẩm trị mụn bằng hoạt chất LHA

Làm sạch dịu nhẹ và ít gây kích ứng 

LHA tan trong dầu tốt hơn nên ở lại lâu hơn trong lớp biểu bì, khiến cho khả năng thấm sâu vào da của LHA kém hơn so với BHA. Điều này thực ra lại là một điểm có lợi, vì khả năng thấm vào các cấu trúc da của LHA chỉ vừa đủ sâu để thực hiện các chức năng của nó chứ không đến mức gây kích ứng cho da. Một sự khác biệt nữa là về độ pH, LHA hoạt động ở pH 5.5 và BHA là 3-4. Mức pH 5.5 này ngang bằng với pH bình thường của da, ghi thêm một điểm cộng rõ ràng nữa trong việc giảm kích ứng.

Hỗ trợ chống lão hóa, tăng sinh collagen dưới da 

Chưa dừng lại ở đó, LHA còn có một khả năng cực kỳ hấp dẫn đó là chống lão hóa đã được ghi nhận bởi . Mặc dù yếu hơn, nhưng LHA cũng có tác dụng giống nhóm retinoids trong việc làm tăng sinh biểu bì và kích thích sản xuất collagen. Một điều thú vị nữa, LHA được cho là có tác dụng trong việc gia tăng khả năng chống chịu của da dưới tác hại của tia UV, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn bỏ qua kem chống nắng vào ban ngày nhé.


Một đặc tính khác cũng đã được ghi nhận đó là LHA có khả năng làm trắng da thông qua việc giảm melanin trong lớp biểu bì. Tuy vậy các báo cáo làm rõ về vấn đề này vẫn còn hạn chế, nên trong thời gian chờ đợi có thêm các nghiên cứu mới hơn thì tốt nhất ta cứ xem như đây là một tác dụng nho nhỏ kèm theo đi vậy.



Tài liệu tham khảo:
Joshua A. Zeichner, MD, The Use of Lipohydroxy Acid in Skin Care and Acne Treatment, J Clin Aesthet Dermatol. 2016 Nov; 9(11): 40–43.
Chaitra Prakash, MD,corresponding author Puneet Bhargava, MD, Siddhi Tiwari, MD, Banashree Majumdar, MD, and Rishi Kumar Bhargava, MD, Skin Surface pH in Acne Vulgaris: Insights from an Observational Study and Review of the Literature, J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Jul; 10(7): 33–39.

No comments:

Post a Comment